Tấm Hình Kỷ Niệm với Ba Tôi

Tấm Hình Kỷ Niệm với Ba Tôi

          Home NT HUNG YEN

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                

 

            Tôi nhớ ba tôi lắm!
         Ba đi đã lâu mà không thấy ba về…

 

Tôi ngồi đây, cô bé năm tuổi, trước cửa thềm nhà, mắt trông ra ngoài đường, ngóng chờ ba tôi. Lòng tự hỏi “cái gì ở ngoài kia đã giữ chân ba tôi lại?”

        Nếu Ba ở nhà bây giờ, thì hẳn là căn nhà này sẽ đầy vui tươi, rộn rã tiếng nói cười và mẹ tôi sẽ không còn than thở rằng một lúc phải gánh vác hai nhiệm-vụ trên vai, môt vai làm người nội-trợ quán-xuyến gia-đình, còn vai kia thì làm bố, thay ba dạy dỗ chúng tôi.

        Nếu Ba ở nhà bây giờ, thì thật là tuyệt-diệu. Ba sẽ vẫn ngồi ở gian phòng khách rộng rãi kia để đọc báo hay chuyện-trò với khách. Như thường lệ, chân Ba sẽ gác lên nhau, để một đầu gối trên sẽ rung tít lên không ngừng. Nếu bây giơ, thì có lẽ họ sẽ gọi Ba là người yếu thần-kinh, nhưng đối với tôi, thì tôi lại luôn nghĩ rằng ba tôi lúc rung đùi đó hình như là có một bản nhạc nào rất thú-vị ở trong đầu, và chiếc đầu gối kia của Ba cứ rung lên, mê-mải đuổi theo tiếng nhạc đó không thôi.

        Tôi thì cũng sẽ đứng rình, sau chiếc ghế gỗ-lim trạm-trổ tỉ mỉ kia của Ba, chờ dịp sẽ kê nhẹ chiếc cằm của tôi lên trên đầu gối ấy.
        Tiếng va chạm của hai hàm răng lập-cập đập vào nhau, đều đặn theo nhịp rung đùi của Ba, chúng vẫn thỉnh thoảng đập vào nhau như vậy, những lúc tôi phong-phanh lanh-lẽo, tạo nên một điệu nhạc vui vui. Tôi sẽ nhắm mắt lại, thưởng thức bản nhạc vui tai ấy, bản nhạc của chỉ chính riêng tôi. Rồi lại bất chợt, ba tôi ngưng tờ báo, nhìn xuống. Thấy mặt tôi kê ngay trên đầu gối của ba, ba sẽ mỉm cười, khẽ nháy mắt với tôi, hất nhẹ hàm ra phía cửa trước. Không cần nói năng gì cả, tôi hiểu ngay là ba muốn tôi ra đằng trước cửa chơi. Rất lặng lẽ, tôi bước ra bậc thềm nhà, ngồi giống như lúc này đây, chờ dịp khác sẽ lại dón dén ra đàng sau ghế ba tôi ngồi, tiếp tục trò chời bỏ dở lúc nãy.

        Ba tôi đã không về ngày hôm ấy, mà là người đưa thư đã xuất hiện trước hiên nhà. Mọi người trong nhà xôn xao lo lắng, sau khi đọc lá thư ba gởi về từ tiền-tuyến. Chắc hẳn là có chuyện chẳng lành đã xảy ra.

        Dạo đó vào năm 1951- chiến cuộc Việt-Nam sôi động, chỉ ba năm trước ngày chia cắt Bắc Nam. Mẹ tôi vẫn thường đi thăm ba một năm vài lần, những khi Ba không dời doanh trại được. Mẹ vẫn thường đi, chỉ có một mình, lúc đó bốn đứa chúng tôi còn bé lắm, đều dưới mười tuổi thôi, nên mỗi lần Mẹ đi xa là chúng tôi ở nhà với ông Huệ, người quản gia, chị vú em và mấy người làm.


        Ngày hôm đó, Mẹ làm một việc rất khác thường, Mẹ cho phép tất cả chúng tôi cùng đi với mẹ thăm Ba. Khi chúng tôi đến trại đóng quân của Ba, Đồng Văn, Hà Nam, tôi được biết ba tôi vừa bị thương vì mìn nổ.

        Chiếc xe jeep của ba tôi đang chạy cán vào mìn đặt ngay trên đường đi, ba bị hất vào ruộng lúa, nhờ mạ non và nước ở trong ruộng vừa ngập đến cổ chân, đã biến thành tấm thảm êm, đỡ thân Ba ngã xuống.

        Ba là người sống sót toàn-vẹn nhất. Người tài-xế bị mất hai chân, còn ông Colonel thì chết ngay lúc đó. Biến cố này, đã tạo thành những giấc mơ kinh- hoảng của Ba mãi mãi về sau. Vì chỗ ông Colonel ngồi hôm đó là chỗ ba tôi ngồi mỗi ngày khi Ba đi thăm doanh trại. Ngày hôm đó, ông thình lình đến thăm trại, ông ta
ngồi đàng trước với người tài-xế, ông đã đi thay thế cho Ba.
        
Vừa đi thăm người tài-xế ở nhà thương về, ba tôi cười rất tươi khi trông thấy chúng tôi đã ở trong nhà, chúng tôi mừng vui quấn quít chân ba. Mẹ thì lúc nào cũng e-thẹn cùng với ba đi ngoài đường, nên ba tôi dắt bốn chị em chúng tôi đi thămthành-phố, nơi trại quân ba đóng.
        Trạm dừng chân cuối cùng ngày hôm đó là một tiệm chụp hình. Ba tôi ngăn người thợ chụp hình đang đi về hướng phòng chụp, chỉ tay ra vườn sau, nói, “tôi muốn chụp ở đàng sân ngoài kia”. Người thợ hớn hở dẫn chúng tôi ra vườn, lựa chỗ thật ưng-ý cho tấm ảnh của chúng tôi.

  

      Nhìn anh ta bận rộn, tới lui, lăng xăng sắp xếp chỗ đứng cho khách, rồi chạy lại đàng sau cái hộp maý ảnh ngắm nghía, tôi sực nhớ ra câu hỏi của tôi, mỗi khi tôi quanh quẩn chờ ba ở đàng trước cửa nhà. Tôi vẫn thường nghe nói rằng, chụp hình là để ghi giữ lại những gì mình không muốn quên sau này, tôi bèn liếc nhìn cái hàng rào bằng gỗ đánh dấu câu hỏi của tôi với ba vào đấy. Người thợ chụp hình đã không còn loay hoay với ống kính của anh ta nữa, nhìn chúng tôi lần chót rồi nói, “đứng vậy được lắm, xin đừng nhúc-nhích nhá” rồi chui ngay vào cái hộp có tấm vải đen trùm kín mít đầu anh ta, một cánh tay giơ cao cái đèn lên khỏi đầu. Sau tiếng phát nổ nhỏ, một làn khói trắng tỏa ra, mịt mù như sương, rồi thì đến anh thợ chụp hình, chui ra khỏi tấm vải đen thui ấy, và anh ta toe toét miệng cười.

        Tôi chắc rằng, ba tôi có lý do ngày hôm ấy, đi chụp chung tấm hình với các con của ba. Và tôi cũng rất yên-trí là đã để câu hỏi kia cùng với Ba trong tấm ảnh đó.
Bây giờ thì tôi sẽ chẳng bao giờ quên hỏi ba tôi rằng, “ Cái gì ở ngoài kia đã giữ chân Ba như vậy? Tại sao Ba cứ luôn phải bận-rộn, chả có dịp nào về nhà chơi với các con của Ba?”
       
Hôm nay ngồi đây, nhìn lại tấm hình xưa cũ, tôi thấy chỉ mới như ngày hôm qua.
Chiến cuộc Việt Nam đã tàn lụi rất lâu rồi, nhưng mà đâu đó, trên quả địa cầu này, vẫn còn rền vang tiếng súng của chiến-tranh. Và chắc hẳn, cũng hãy còn ở một nơi nào đâu đó, những bé thơ đang đứng đợi bóng cha về .

 

***JDA***

Copyright © 2010

All Rights Reserved

June 20, 2010